Đà Lạt với tôi không chỉ là một định nghĩa sáo rỗng kiểu thành phố hoa, thành phố sương mù.
Có lần một anh bạn từ Sài Gòn lên Đà Lạt chơi, khi ấy tôi còn đang là người Đà Lạt, than thở trong suốt bữa sáng rằng tiếng xe máy rú ga trên con đường quanh Đồi Cù đêm qua đã cướp đi của anh ấy cái tĩnh mịch vô giá mà anh cất công từ Sài Gòn lên để tận hưởng.
Những con đường quanh co
Tôi im lặng đón nhận sự càm ràm của người bạn và nhận ra rằng, Đà Lạt đã vĩnh viễn không còn cơ hội để cứu lấy cái giá trị yên tĩnh có một không hai của thành phố cao nguyên này nữa rồi. Những con dốc nhỏ quanh co uốn khúc duyên dáng gợi tình đã bị nắn gọt không thương tiếc để thành những con lộ lớn ngang phè phè. Và thế là xe cộ cứ vù vù rú ga để thỏa mãn chút thuận tiện cho người cầm tay lái, thản nhiên thả vào không gian Đà Lạt thứ tiếng ồn động cơ như thể nó là một phần tất yếu của đường phố.
Nhưng Đà Lạt đã từng có nhiều năm tháng, dưới tầm nhìn quy hoạch và kiến trúc tinh tế đặc sắc của người Pháp, giữ được những con phố không nhiều tiếng ồn của xe cộ.
Một phần của cách thức ấy là những con đường quanh co uốn lượn, đủ gợi cảm với kẻ bộ hành, đủ nguy hiểm để hãm tốc độ của người cầm lái, và nhờ thế mà giữ được sự yên tĩnh tuyệt vời cho những con phố.
Nhưng Đà Lạt đã đánh rơi cái tầm nhìn ấy tự lâu rồi. Đà Lạt bỗng dưng xuất hiện những con phố thõng thượt, tuênh huênh, như thể một cô gái hở hang. Như thể Đà Lạt trượt ra khỏi chiếc túi nhỏ tẩm hương quyến rũ đến huyễn hoặc trên bờ vai thiếu nữ để rớt xuống cái giỏ đựng hàng xoàng xĩnh của phiên chợ giao thông. Sự thuận tiện là thứ thuốc độc cấp tính hãm hại nét quyến rũ của Đà Lạt. Có lẽ, với phố phường Đà Lạt, không có gì thô tục hơn sự vội vã.
Nỗi lòng sắc màu Đà Lạt
Chuyện về anh bạn tôi vừa kể là chuyện khá lâu rồi. Nhưng nó trở về trong trí óc tôi ngay lập tức khi tôi lạc mắt vào mớ màu sắc sặc sỡ trong chuyến trở về Đà Lạt mới đây. Những biển hiệu xanh đỏ vàng thi nhau phô diễn ở nhiều con phố trung tâm, như cố bon chen để nổi bật lên trong tầm mắt của khách đi đường. Thì là bon chen mà, một sự vội vã thường thấy trong xã hội mua bán. Màu sắc vì thế cũng phải vội vã bon chen.
Tôi cố nhớ lại những lý lẽ mà người ta đã dựa vào để tặng cho Đà Lạt cái tên đặc ân “Little Paris”. Là những gì nhỉ? Là cảnh quan, là kiến trúc, là khí hậu, là sự yên tĩnh. Và chắc chắn, là có cả sắc màu. Những tông màu nền nã, đậm phong cách châu Âu giữa phố núi là một phần của sự tao nhã mà Đà Lạt đã có, và phải có.
Ôi đâu rồi sự tao nhã của những sắc màu mà tôi và nhiều thế hệ từng biết Đà Lạt đã được cảm nhận một cách đằm thắm trong ký ức sống! Sao phải là những biển hiệu lòe loẹt trưng ra sự thoái hóa rõ ràng về mỹ cảm không nên có giữa phố phường Đà Lạt?
Tôi rời Đà Lạt trong một sự ấm ức vô duyên nhưng không vô cớ. Người bạn đời của tôi cũng chỉ thở dài rồi bình luận đơn giản: “Hình như Đà Lạt đã lạc đâu đó rồi anh à!”.
Câu bình luận khiến tôi muốn bật khóc, tiếc câu thơ sinh viên bạn tôi đã viết ngày chia xa Đà Lạt. “Tạm biệt nhé, Đà Lạt ơi, những mùa hoa thương nhớ. Cơn mưa chiều qua phố. Ta mang niềm thương đi. Ôi màu hoa mimosa vấn vương điều gì? Vàng lên con đường quen thuộc”. Lạc đâu mất rồi Đà Lạt ơi, những niềm thương nhớ cũ?
Một cậu học trò cũ cố tìm cách kéo tôi đến một shop hoa nhỏ khởi nghiệp của cậu ấy trên con dốc đường 3 Tháng 2 trước giờ ra sân bay. Tôi thở phào nhẹ nhõm khi nhìn tấm biển hiệu giản dị và lối bài trí trang nhã trong shop hoa bé nhỏ của cậu học trò.
Tôi không rõ cậu ấy có mua may bán đắt hay không, nhưng với tôi thì cậu ấy có thể là một trong những người lưu giữ một Đà Lạt nền nã trong cái mớ màu sắc đang giăng khắp phố phường.
Với tôi, và chắc là với rất nhiều người nữa, Đà Lạt chưa bao giờ là một định nghĩa sáo rỗng kiểu thành phố hoa, thành phố sương mù. Sự tĩnh mặc của không gian và thời gian, những con phố quanh co dắt về ký ức, những sắc màu nền nã là điều tao nhã vô giá mà những người yêu Đà Lạt luôn tìm kiếm, luôn thương nhớ để quay về.
Rồi Đà Lạt có còn giữ được những niềm thương nhớ đó hay không, giữa những đám sắc màu lòe loẹt?
Theo Tin Tây Nguyên